Đây là hãng dược phẩm thứ 4 của Ấn Độ bị buộc phải ngừng hoạt động liên quan đến các sản phẩm siro ho chứa độc tố. 

Sản phẩm siro Naturcold có chứa độc tố  theo cảnh báo của WHO. (Ảnh: DW)

Sản phẩm siro Naturcold có chứa độc tố  theo cảnh báo của WHO. (Ảnh: DW)

Trước đó, vào ngày 25/7, Ấn Độ cũng đã đình chỉ giấy phép sản xuất của công ty dược phẩm QP Pharmachem Ltd sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 4 năm nay cảnh báo siro ho của hãng này tại Quần đảo Marshall và Micronesia có chứa các chất độc hại. WHO đã cảnh báo công dân của quần đảo Marshall và Micronesia không sử dụng sản phẩm này và nếu sản phẩm đã được tiêu thụ, hãy liên hệ với chuyên gia y tế ngay lập tức.

Theo Thứ trưởng Y tế Ấn Độ Bharati Pravin Pawar, giấy phép sản xuất và xuất khẩu của QP Pharmachem Ltd cùng 2 công ty khác gồm Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech Pvt. Ltd, những hãng có sản phẩm liên quan đến các ca trẻ em tử vong do sử dụng siro ho đã bị đình chỉ.

Cũng theo Thứ trưởng Bharati Pravin Pawar, các nhà quản lý của Ấn Độ đang đẩy mạnh điều tra tại các cơ sở sản xuất dược phẩm sau khi các sản phẩm siro ho của nước này được cho là có liên quan đến gần 90 trường hợp trẻ em tử vong tại Gambia và Uzbekistan hồi năm ngoái. Điều này làm ảnh hưởng tới hình ảnh "nhà thuốc" thế giới của Ấn Độ. Vụ bê bối liên quan đến siro nhiễm độc được coi là một cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ trong năm 2022.

Vào tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị nhà chức trách Ấn Độ hỗ trợ xác định nguồn gốc xuất xứ của loại siro ho liên quan đến các trường hợp trẻ nhỏ tử vong ở Cameroon. Theo WHO, loại siro Naturcold trị ho và cảm lạnh đang được bán tại  Cameroon có chứa hàm lượng chất độc hại diethylene glycol cực cao. 

Kể từ tháng 6/2023, Ấn Độ đã siết chặt quy định xuất khẩu sản phẩm siro ho xuất khẩu. Theo đó, tất cả các sản phẩm siro ho phải được kiểm nghiệm và cấp chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng.

Năm 2022, hơn 300 trẻ em, chủ yếu dưới 5 tuổi, ở Gambia, Indonesia và Uzbekistan tử vong vì tổn thương thận cấp tính sau khi sử dụng các loại siro ho tương tự. Tháng 6/2023, Indonesia đã mở rộng cuộc điều tra vụ việc gây chấn động dư luận hồi năm ngoái khi hơn 200 trẻ em nước này tử vong do sử dụng thuốc ho dạng siro có nhiễm độc./.

PG (theo The Economic Times, India Weekly)
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/them-1-cong-ty-duoc-pham-cua-an-do-phai-ngung-san-xuat-lien-quan-den-be-boi-siro-ho-nhiem-doc-643210.html